Lượt xem: 1832

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân và những định hướng hiện nay

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023); nhớ về công ơn trời biển của Người, xin mạn phép nêu lên vài góc nhìn: Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân và những định hướng gợi mở hiện nay góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.

 


Bác Hồ dùng thử máy cấy cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội. Ảnh tư liệu

 

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh am hiểu rất sâu sắc về nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Trên con đường hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã dành nhiều công sức nghiên cứu lý luận và thực tiễn nông nghiệp - nông thôn - nông dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Châu Á, nhằm tham vấn để giải quyết vấn đề của cách mạng Việt Nam; đồng thời, Người đã phê phán mạnh mẽ chế độ thống trị của thực dân, đế quốc và tay sai cùng với chính sách phản động của chúng đối với nông nghiệp - nông thôn và nông dân Việt Nam. Trong Di chúc thiêng liêng, Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đối với người nông dân, lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn. Người “có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

    Với sự am hiểu và mối quan tâm đặc biệt, trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều tư tưởng quan trọng và có giá trị về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy bối cảnh, điều kiện sinh thời của Người có sự khác biệt so với hiện nay nhưng nhiều quan điểm, tư tưởng của Người vẫn có giá trị và sức sống vượt thời gian, có sức gợi mở, định hướng nhận diện, giải quyết nhiều vấn đề có liên quan đến nền kinh tế nông nghiệp - nông thôn và nông dân hiện nay.

    Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp đối với kinh tế - xã hội nước ta: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Đây chính là quan điểm toàn diện, tổng quát của Hồ Chí Minh về vai trò của nông dân - nông thôn - nông nghiệp Việt Nam.

    Từ quan điểm tổng quát nêu trên, Hồ Chí Minh đưa ra nhiều biện pháp nhằm phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam vừa có giá trị đương thời, vừa có giá trị gợi mở, định hướng hiện nay. Về nguyên lý chung, phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có kinh tế nông nghiệp, Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”.

    Theo Hồ Chí Minh, biện pháp đầu tiên là Nhà nước có đường lối phát triển nông nghiệp đúng đắn, có chính sách phù hợp. Người chỉ rõ: “Nhà nước phải đầu tư vào những công việc có ích cho nông dân,cho hợp tác xã; như làm trường học cho con em nông dân, làm những công trình thủy lợi lớn, cùng nông dân, hợp tác xã làm những công trình thủy lợi vừa…”. Về hợp tác xã, Hồ Chí Minh lý giải rất giản dị, dễ hiểu: “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó”; “Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”. Về ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong thực tế là “Nông nghiệp của ta rất lạc hậu”. Để khắc phục hạn chế đó, cần phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc sản xuất thật rộng rãi: Dùng máy móc cả trong công nghiệp và nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng thêm gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường…”. Về mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực phát triển đất nước, trong đó có nông nghiệp. Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã chủ trương thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các nhà tư bản, đầu tư vào kinh tế, trong đó có nông nghiệp, miễn là họ tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và đôi bên cùng có lợi. Ngày 12/6/1949, trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh ngoại quốc đầu tư, miễn là hai bên cùng hưởng lợi ngang nhau và người ta không lợi dụng sự đầu tư ấy để áp bức chúng tôi”. Đặc biệt, Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng nền tảng và động lực cho phát triển nông nghiệp là nông thôn mới, nông dân mới. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Trong một nước nông nghiệp, nông dân chiếm đến 90% dân số như Việt Nam, thì cách mạng xã hội chủ nghĩa phải hướng tới tạo dựng nên nông thôn mới, nông dân mới - đây chính là nội dung quan trọng khi Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề xây dựng đời sống mới, con người mới, xã hội mới, đạo đức mới. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến một “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Đó là “Cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ nầy cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Xây dựng nông thôn mới, người nông dân mới làm nền tảng và động lực chính là một nội dung của cuộc chiến đấu khổng lồ đó, là điều kiện tiên quyết để phát triển nông nghiệp Việt Nam.

    Đã gần 15 năm kể từ Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đi vào cuộc sống. Nông nghiệp Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển. Tuy vậy, không ít những vấn đề tồn tại, cần được nhận diện và giải quyết. Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiều quan điểm lớn, mới và rất quan trọng định hướng cho phát triển của nông nghiệp Việt Nam thời gian tới. Cùng với đó, việc trở lại nghiên cứu, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết.

    Trước tiên, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đồng thời căn cứ về trình độ phát triển của nền kinh tế, chúng ta vẫn xác định vai trò nền tảng, vai trò gốc, vai trò nguồn lực của nền kinh tế nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế đất nước. Dù rằng, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước sẽ làm thay đổi căn bản đất nước ta trong một, hai thập niên tới, nhưng cũng rất chắc chắn rằng nông nghiệp vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đặc biệt như tỉnh Sóc Trăng chúng ta. Tất nhiên, phải diện mạo mới là một nền nông nghiệp mới, trên địa bàn nông thôn mới và gắn với mẫu hình người nông dân mới.

    Thiết nghĩ, những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn là vô cùng sâu sắc, có tính gợi mở, định hướng rất cao và cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, mẫu hình nông dân mới và địa bàn nông thôn mới hôm nay và mai sau./.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 794
  • Trong tuần: 68,114
  • Tất cả: 11,852,303